Lựa chọn học Thạc sĩ hoặc Chứng chỉ nghề nghiệp hoặc kết hợp cả hai phụ thuộc vào định hướng, mục tiêu nghề nghiệp, thời gian và khả năng tài chính của người học.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 23) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021. Thông tư 23 được xây dựng trên tinh thần giao quyền cho cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy chế đào tạo nội bộ với các yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng đảm bảo không trái những quy định của Thông tư 23.
Chương trình đào tạo Thạc sĩ (Chương trình Thạc sĩ) cũng là định hướng, mục tiêu của sinh viên, người đã đi làm muốn theo học để củng cố, nâng cao kiến thức chuyên ngành, cải thiện phương pháp phân tích, tổng hợp và kỹ năng nghề nghiệp.
Chắc hẳn với những thay đổi về tuyển sinh, đào tạo và đánh giá kết quả học tập trong Thông tư 23 sẽ tác động đến những ai đang có dự định theo học Chương trình Thạc sĩ. Tôi xin chia sẻ nhận định về việc có nên theo học Chương trình Thạc sĩ không?
Phạm vi nhận định dựa vào Chương trình Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng và Chứng chỉ nghề nghiệp FRM, CFA. Trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán Chứng chỉ FRM, CFA là hai chứng chỉ nghề nghiệp danh giá mà những người làm quản trị rủi ro và phân tích tài chính mong muốn sở hữu.
(Ảnh minh họa: Thạc sĩ hay Chứng chỉ nghề nghiệp)
Học Thạc sĩ có gì khác biệt?
Theo cấu trúc Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì người có trình độ Thạc sĩ sẽ có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết sâu, rộng ở mức độ làm chủ kiến thức trong phạm vi của ngành đào tạo. Có kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin một cách khoa học và tiên tiến. Ngoài ra, người có trình độ Thạc sĩ còn có kỹ năng phổ biến tri thức trong lĩnh vực chuyên môn, khả năng hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ, công việc.
Trải nghiệm thực tế Chương trình Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng của một trường chuyên đào tạo về kinh tế, tài chính, ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ phát triển được các kỹ năng về thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm, khả năng trình bày một vấn đề bằng cả văn viết và văn nói.
Ngoài ra, chương trình còn cung cấp cho người học phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản, từ đó người học có thể vận dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công việc hoặc giải đáp các vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng một cách khoa học.
Người học Chương trình Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng sẽ tham dự các buổi học trên lớp để nghe giảng viên trình bày, người học thực hiện các buổi thuyết trình và phản biện xoay quanh các chủ đề của môn học. Mỗi học phần sẽ kết thúc bằng bài luận cá nhân có độ dài từ 5.000 – 7.000 từ hoặc kiểm tra hết môn. Thời gian hoàn thành Chương trình Thạc sĩ từ 1,5 – 2 năm. Tổng chi phí học tập khoảng 65 – 70 triệu đồng.
Như vậy, Chương trình Thạc sĩ cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu bao gồm lý thuyết và khả năng vận dụng thực tế theo ngành, chuyên ngành học. Chương trình cũng giúp cho người học có phương pháp tư duy hệ thống, biết hoài nghi các vấn đề một cách khoa học.
FRM (Financial Risk Manager) - Chứng chỉ Quản trị rủi ro tài chính
Đối với những người làm trong lĩnh vực quản trị rủi ro tại các ngân hàng, công ty chứng khoán hoặc các định chế tài chính thì FRM là chứng chỉ nghề nghiệp mà đa số mọi người hướng đến. Chứng chỉ FRM tập trung cung cấp cho người học những kiến thức chuyên sâu, phương pháp quản trị rủi ro tài chính hiện đại, thường xuyên được cập nhật và đổi mới liên tục.
Người học muốn nhận chứng chỉ FRM có thể tự học hoặc đăng ký học và ôn thi tại các trung tâm. Người học cần vượt qua 2 kỳ thi và chứng minh kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản trị rủi ro để được cấp chứng chỉ FRM. Người học mất khoảng 1,5 – 2 năm để vượt qua 2 kỳ thi. Tổng chi phí ghi danh và phí thi khoảng 56 – 60 triệu đồng.
CFA (Chartered Financial Analyst) – Chứng chỉ Phân tích tài chính
Đối với những người làm trong lĩnh vực phân tích tài chính tại công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư hoặc phòng kinh doanh vốn, khối đầu tư của các ngân hàng thì CFA là chứng chỉ nghề nghiệp được số đông người đi làm lựa chọn. Chứng chỉ CFA cung cấp cho người học những kỹ năng, kiến thức chuyên sâu về phân tích tài chính định lượng, quản trị danh mục đầu tư và quản trị rủi ro tài chính.
Người học muốn nhận chứng chỉ CFA có thể tự học hoặc đăng ký học và ôn thi tại các trung tâm. Khác với FRM, người học muốn nhận được chứng chỉ CFA phải vượt 3 kỳ thi được tổ chức định kỳ mỗi năm. Bình quân người học phải dành khoảng 300 giờ ôn luyện cho mỗi kỳ thi. Tổng chi phí ghi danh và phí thi khoảng 65 – 85 triệu đồng.
Ngoài chứng chỉ FRM và CFA, còn có các chứng chỉ nghề nghiệp khác trong lĩnh vực tài chính như ACCA chứng chỉ dành cho những người làm kế toán, kiểm toán; CPA chứng chỉ kế toán – kiểm toán viên hành nghề của Úc; CIMA chứng chỉ về quản trị tài chính, quản trị chiến lược,…
Nhìn chung, các chứng chỉ nghề nghiệp tập trung vào cung cấp và nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc cụ thể gắn liền với nghề nghiệp của người học.
Việc so sánh chỉ mang tính tương đối nhưng sẽ giúp chúng ta khái quát, hình dung được sự khác biệt giữa Chương trình Thạc sĩ và các Chương trình cấp Chứng chỉ nghề nghiệp.
Chương trình |
Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng |
FRM (Financial Risk Manager) |
CFA (Chartered Financial Analyst) |
|
Tuyển sinh |
Mục tiêu của Chương trình học |
Giúp người học nâng cao kiến thức chuyên ngành; cung cấp cho người học phương pháp nghiên cứu, tư duy phản biện độc lập. |
Giúp người học nâng cao kiến thức quản trị rủi ro (tín dụng, thị trường, thanh khoản,…) làm việc trong các định chế tài chính trong nước, quốc tế. |
Giúp người học nâng cao kiến thức, kỹ năng phân tích tài chính, quản trị danh mục đầu tư tại các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư |
Chuẩn đầu vào |
Tốt nghiệp Đại học ngành phù hợp; Ngoại ngữ đọc hiểu tài liệu chuyên ngành, giao tiếp chuyên môn với người cùng ngành. |
Bất kỳ ai cũng có thể học và đăng ký dự thi; Ngoại ngữ chuyên ngành, đọc hiểu tài liệu bằng Tiếng Anh |
Bất kỳ ai cũng có thể học và đăng ký dự thi; Ngoại ngữ chuyên ngành, đọc hiểu tài liệu bằng Tiếng Anh |
|
Tổ chức đào tạo & đánh giá kết quả |
Ngôn ngữ đào tạo |
Tiếng Việt, Tiếng Anh |
Tiếng Anh |
Tiếng Anh |
Hình thức học tập |
Tập trung trên lớp, kết hợp học online và tự học |
Tự học hoặc đăng ký tại các trung tâm đào tạo |
Tự học hoặc đăng ký tại các trung tâm đào tạo |
|
Địa điểm đào tạo |
Trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo |
Tự học tại nhà/Các lớp online/Học tại trung tâm đào tạo |
Tự học tại nhà/Các lớp online/Học tại trung tâm đào tạo |
|
Thời gian đào tạo |
60 tín chỉ, tương đương khoảng 3.000 giờ học; # 1,5 – 2 năm. |
# 1,5 – 2 năm, mỗi năm thi 1 Part |
# 1,5 – 5 năm # 300 giờ học/mỗi Part |
|
Phương pháp dạy, học |
Tham dự giờ học trên lớp; Làm việc nhóm, thuyết trình; Tự học. |
Phần lớn là tự học hoặc đăng ký các lớp ôn thi ở trung tâm |
Phần lớn là tự học hoặc đăng ký các lớp ôn thi ở trung tâm |
|
Học phần |
Kiến thức chung (7%): Triết học; Kiến thức cơ sở, chuyên ngành (78-68%) các học phần về ngân hàng quốc tế, quản trị rủi ro; tài chính cá nhân, Fintech, nghiên cứu định lượng,…; Luận văn (15-25%): định hướng ứng dụng hoặc nghiên cứu. |
Part I (4 học phần): - Kiến thức nền tảng về quản lý rủi ro: 20% - Phân tích định lượng: 20% - Thị trường & sản phẩm tài chính: 30% - Các mô hình định giá & rủi ro: 30% Part II (6 học phần): - Đo lường & quản lý rủi ro thị trường: 20% - Đo lường & quản lý rủi ro hoạt động: 20% - Đo lường & quản lý rủi ro thanh khoản: 15% - Quản lý rủi ro đầu tư: 15% - Vấn đề thời sự ảnh hưởng thị trường tài chính: 10% |
Cả 3 Part đều học 10 học phần nhưng mỗi Part mức độ khó/dễ và trọng số sẽ khác nhau. Các học phần tập trung vào kiến thức nền tảng, phương pháp định lượng, phân tích báo cáo tài chính, quản lý danh mục đầu tư,… Part I: cung cấp kiến thức chung về tài chính. Part II: tập trung vào phân tích báo cáo tài chính và các học phần khác với mức độ sâu và khó hơn. Part III: tập trung vào quản lý danh mục đầu tư. |
|
Kiểm tra, đánh giá |
Kiểm tra quá trình: bài tập nhỏ, thuyết trình Kiểm tra kết thúc môn học: bài tập lớn dưới dạng thi viết hoặc viết tiểu luận (5.000 – 7.000 từ) |
Không có kiểm tra đánh giá các học phần |
Không có kiểm tra đánh giá các học phần |
|
Chứng nhận kết quả |
Điều kiện được cấp văn bằng/chứng nhận |
Điểm bình quân của Luận văn lớn hơn hoặc bằng 5.5 |
Vượt qua kỳ thi Part 1 & Part 2 và có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị rủi ro. |
Vượt qua Part I, II & III |
Loại bằng cấp |
Bằng Thạc sĩ do cơ sở đào tạo cấp |
Chứng chỉ nghề nghiệp |
Chứng chỉ nghề nghiệp |
|
Phạm vi sử dụng |
Việt Nam |
Toàn cầu |
Toàn cầu |
|
Chi phí |
Lệ phí hồ sơ, thi |
#200.000 – 500.000 VND (tùy cơ sở đào tạo) |
Lệ phí ghi danh: 400 USD Phí thi Part 1: 750 USD Phí thi Part 2: 750 USD |
Lệ phí ghi danh: 450 USD; 700 – 1000 USD/mỗi Part; |
Học phí |
# 60.000.000 VND (tùy cơ sở đào tạo) |
0 USD nếu tự học |
0 USD nếu tự học |
|
Tài liệu học tập |
# 5.000.000 VND (tùy mỗi người học). Nếu Luận văn phải khảo sát hoặc sử dụng dữ liệu lớn phải thêm chi phí dữ liệu. |
Bản cứng: Part 1: 300 USD Part 2: 250 USD |
Bản cứng: 305 USD
|
|
Tổng cộng |
#65 – 70 triệu đồng |
2.450 USD ~ 56 triệu đồng |
2.855-3.755 USD ~ #65 – 85 triệu đồng |
Bảng tổng hợp Chương trình Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng, FRM và CFA – Nguồn: tác giả tổng hợp
Từ ví dụ cụ thể đã nêu ở trên, tựu trung lại như sau:
Chương trình Thạc sĩ cung cấp cho người học phương pháp nghiên cứu, kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách khoa học, có cơ sở. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người học nào sau khi hoàn tất Chương trình Thạc sĩ cũng có thể vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công việc (định hướng ứng dụng) hoặc có thể độc lập nghiên cứu, phát triển quan điểm, luận thuyết khoa học (định hướng nghiên cứu).
Chứng chỉ nghề nghiệp sẽ bổ sung cho người học kiến thức chuyên sâu để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh trong công việc. Người học có thể vận dụng ngay vào công việc đang làm. Ngoài ra, khi người học được cấp chứng chỉ cũng đồng nghĩa họ được gia nhập vào Hiệp hội nghề nghiệp toàn cầu, hàng năm sẽ được Hiệp hội cập nhật những kiến thức mới liên quan đến nghề nghiệp.
Vậy có nên học Thạc sĩ không?
Lựa chọn học Thạc sĩ hoặc Chứng chỉ nghề nghiệp hoặc kết hợp cả hai phụ thuộc vào định hướng, mục tiêu nghề nghiệp, thời gian và khả năng tài chính của người học.
Nếu người học mong muốn cải thiện phương pháp nghiên cứu, khả năng tư duy phản biện, lập luận, giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở định lượng hoặc người học có định hướng làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng thì nên chọn Chương trình Thạc sĩ.
Nếu người học muốn tập trung phát triển kỹ năng nghề nghiệp, muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp thì nên theo đuổi các Chứng chỉ nghề nghiệp.
Lê Hồng Thái*
*Manager Credit Risk Management Team,
Master of Research